Lần đầu tiên, chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” được Bộ Y tế tổ chức nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái vì con người. Chương trình được phát trực tiếp trên kênh VTV2 lúc 20 giờ ngày 26-10 sẽ kêu gọi cộng đồng xã hội tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng và là gửi lời tri ân đến những tấm lòng vàng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp những bệnh nhân suy mô, tạng giai đoạn cuối.
Sau ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1992, nền y học nước ta ngày nay đã có thể thực hiện cả ghép tim, ghép gan, ghép đa tạng. Tuy nhiên, sau 23 năm mới chỉ thực hiện được 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim và 1 trường hợp ghép thận - tụy.
Theo GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, nếu như ở các nước trên thế giới nguồn tạng hiến hầu hết được lấy từ người cho chết não thì tại Việt Nam, y học nước nhà mới chỉ trông chờ vào nguồn hiến sống ít ỏi. Như tại Bệnh viện Việt Đức, trong 5 năm qua mới vận động được 26 người chết não cho tạng để cứu 11 bệnh nhân suy tim, 22 người suy gan và 50 người suy thận. Trong khi tại chính bệnh viện này, trung bình mỗi năm có 400-500 người chết não. Thế nhưng rất ít gia đình đồng ý hiến tạng để cứu giúp các cuộc đời khác.
Giúp cho người khác tái sinh bằng việc hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết là việc làm rất cao đẹp nhưng do vấn đề tâm lý, tôn giáo và đặc biệt là quan niệm “cái chết nguyên vẹn” còn chi phối nặng nề nên thực tế chưa có nhiều người sẵn sàng hiến tặng món quà sự sống.
Mặt khác, cũng có thể do nhiều người chưa nhận được lời đáp rõ ràng giữa chết não và sống thực vật. GS Sơn nói về điều này: “Trong y học, người sống thực vật là người chưa chết não, họ chỉ không cử động hay giao tiếp với mọi người và có thể kéo dài thêm sự sống tùy theo thể trạng mỗi người. Còn chết não nghĩa là tế bào não đã chết, các bộ phận trong cơ thể cũng sẽ hoại tử. Nếu gia đình người chết não đồng ý hiến tạng thì cơ hội được sống và sống khỏe sẽ đến với nhiều bệnh nhân đang trong cảnh đèn dầu treo trước gió”.
Mong sao lời mời gọi của Bộ Y tế - cũng là hiệu triệu của toàn xã hội - sẽ chạm mạnh vào lý trí và trái tim mỗi gia đình, mỗi cá nhân, giúp mọi người vượt lên nỗi dằn vặt đắn đo, biến yêu thương thành ngàn vạn phép mầu!
Nguồn tin: Người Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sau năm 1975, được sự tiếp quản xây dựng từ Cơ sở Y tế quận Buôn Hô. Lúc đầu là Bệnh xá sau đổi tên là Bệnh viện Huyện Krông Búk cho đến năm 1990. Việc sát nhập với Phòng Y tế Huyện, Bệnh viện được đặt tên là Trung tâm Y tế Huyện Krông Búk (1990 – 2006). Từ năm 2007 đến 2009: Trung tâm Y tế Huyện...