Pms - PANTOPRAZOLE
Admin
2014-12-06T04:41:15-05:00
2014-12-06T04:41:15-05:00
http://benhvienbuonho.com/index.php/Thong-tin-Thuoc/Pms-PANTOPRAZOLE-125.html
/themes/default/images/no_image.gif
Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ
http://benhvienbuonho.com/uploads/logo2008_2.png
Thứ bảy - 29/11/2014 05:00
Chất ức chế chọn lọc bơm proton; về cấu trúc hóa học là dẫn xuất của benzimidazol
Pms - PANTOPRAZOLE
- Thành phần, hàm lượng: Pantoprazole 40mg
- Dạng bào chế: Thuốc bột pha tiêm
1. Chỉ định:
Pms – Pantoprazole được dùng điều trị cho các trường hợp sau:
- Loét dạ dày tá tràng
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cho những bệnh nhân nhập viện mà không dùng được thuốc đường uống.
- Tăng tiết acid dạ dày bệnh lý kèm theo hội chứng Zollinger-Ellison, những bệnh nhân nhập viện mà không dùng được thuốc đường uống.
2. Liều lượng và cách dùng:
* Trẻ em: Độ an toàn và hiệu quả của pantoprazole vẫn chưa được thiết lập.
* Liều khuyến cáo và điều chỉnh liều lượng:
Trào ngược dạ dày thực quản:
Liều khuyên dùng cho bệnh nhân này là 40mg/ngày, bằng cách tiêm tĩnh mạch chậm 2 đến 5 phút, hoặc truyền tĩnh mạch trên 15 phút.
Tăng tiết acid dạ dày bệnh lý kèm theo hội chứng Zollinger-Ellison:
Với những bệnh nhân tăng tiết acid dạ dày bệnh lý kèm theo hội chứng Zollinger-Ellison, liều khuyên dùng cho người lớn là 80mg/12 giờ, truyền tĩnh mạch trên 15 phút. Liều 120mg x 2 lần/ngày và liều 80mg x 3 lần/ngày cũng được sử dụng để kiểm soát tiết acid dưới 10mEq/giờ.
Ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày và tá tràng. Nhiễm Helicobacter Pylori (dương tính). Cần thực hiện việc diệt vi khuẩn bằng trị liệu phối hợp. Liệu pháp phối hợp chỉ cần điều trị bảy ngày (7 ngày) là đủ để diệt Helicobacter Pylori và làm lành vết loét. Tùy theo kiểu kháng thuốc có thể theo các sơ đồ phối hợp sau để diệt Helicobacter Pylori:
Phác đồ 1: Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 100mg Amoxicillin + 500mg Clarithromycin) x 7 ngày.
Phác đồ 2: Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 500mg Metronidazole + 500mg Clarithromycin) x 7 ngày.
Phác đồ 3: Mỗi ngày 2 lần x (1 viên Pantoloc + 100mg Amoxicillin + 500mg Metronidazole) x 7 ngày.
* Cách dùng và pha chế:
Khi chuẩn bị truyền tĩnh mạch, có thể sử dụng túi truyền bằng PVC, polymer kết hợp của ethylene và propylene
Pms – Pantoprazole không nên dùng cùng dây truyền với các dung dịch dùng đường tĩnh mạch khác, nên dùng dây truyền chuyên dụng hoặc dây truyền đã được tráng rửa bằng NaCl 0,9% tiêm hoặc Dextrose 5% tiêm.
Tiêm tĩnh mạch 40mg: Bơm 10ml dung dịch nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) vào lọ chứa chất bột đông khô Pantoprazole 40mg, được dung dịch có nồng độ 4mg/ml, dùng tiêm chậm 2 đến 5 phút. Dung dịch này có thể sử dụng trong vòng 24 giờ.
Truyền tĩnh mạch 40mg: Pha loãng Pantoprazole với 90ml NaCl 0,9% tiêm hoặc 90ml Dextrose 5%. Dung dịch sau khi pha loãng có nồng độ 0,4mg/ml, dùng để truyền tĩnh mạch ít nhất là 15 phút.
Truyền tĩnh mạch 80mg: Cần dùng 2 lọ Pms – Pantoprazole. Mỗi lọ cần được pha chế với 10ml dung dịch NaCl sinh lý. Sau đó pha loãng với 80ml NaCl 0,9% tiêm hoặc 80ml Dextrose 5% tiêm. Sau khi pha chế được dung dịch 0,8mg/ml, sử dụng truyền trong thời gian lớn hơn 15 phút.
- Khi pha loãng hơn, dung dịch pha chế trong chai phải được pha loãng trong vòng 3 giờ sau khi mở nắp lần đầu.
- Khi pha loãng hơn với NaCl 0,9 tiêm để truyền, dung dịch cần được dùng trong vòng 21 giờ.
- Khi pha loãng hơn với Dextrose 5% tiêm để truyền, dung dịch cần được dùng trong vòng 12 giờ.
Lưu ý: Cũng như với các thuốc dùng ngoài đường tiêu hóa, dung dịch sau khi pha chế hoặc pha loãng hơn cần được kiểm tra màu sắc, kết tủa, độ trong hoặc sự rò rỉ. Loại bỏ phần không sử dụng.
3. Chống chỉ định:
- Không nên dùng Pms – Pantoprazole cho những trường hợp có tiền sử mẫn cảm với Pantoprazole.
- Cũng như các thuốc ức chế bơm proton: omeprazole, esomeprazole, rabeprazole, không nên dùng pantoprazole cùng với atazanavir vì nó làm giảm tác dụng của atazanavir khoảng 76%.
4. Cảnh báo và thận trọng:
* Lưu ý chung:
Khi có các dấu hiệu cảnh báo (giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân, nôn kéo dài, khó nuốt, xuất huyết, thiếu máu, hoặc phân đen) và khi nghi ngờ loét dạ dày, cần xem xét khả năng ác tính trước khi điều trị bằng pantoprazole tiêm vì pantoprazole tiêm có thể làm giảm các triệu chứng và chẩn đoán chậm. Cần xem xét lại nếu các triệu chứng vẫn còn mặc dù đã điều trị đầy đủ.
* Gan-Mật-Tụy:
Liều hàng ngày ở những bệnh nhân suy gan nặng không nên vượt quá 20mg pantoprazole. Ở những bệnh nhân suy gan bị hội chứng Zollinger-Ellison, liều lượng pantoprazole cần được điều chỉnh theo mức độ tiết acid và dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả.
* Thận:
Liều hàng ngày ở những bệnh nhân suy thận không nên vượt quá liều chỉ định.
* Nhóm đối tượng đặc biệt:
- Phụ nữ có thai: Không có những nghiên cứu đầy đủ và có thể kiểm soát tốt ở những phụ nữ có thai. Pms – Pantoprazole không nên dùng cho phụ nữ có thai trừ khi lợi ích hơn hẳn nguy cơ đối với thai nhi.
- Phụ nữ cho con bú: Các dữ liệu về sử dụng pantoprazole cho phụ nữ cho con bú còn hạn chế. Đã phát hiện thấy Pms – Pantoprazole thải trừ vào sữa mẹ sau khi người mẹ dùng 40mg pantoprazole đường uống. Liên quan lâm sàng của phát hiện này chưa được biết. Pantoprazole sodium không nên dùng cho phụ nữ cho con bú trừ khi lợi ích lớn hơn hẳn nguy cơ đối với trẻ.
- Người già (lớn hơn 65 tuổi): Không cần điều chỉnh liều ở người già. Liều hàng ngày ở người già không nên vượt quá liều khuyên dùng.
5. Tương tác:
- Pantoprazole sodium không tương tác với carbamazepine, caffeine, diclofenac, naproxen, piroxicam, ethanol, glibenclamide, metoprolol, antipyrine, diazepam, phenytoin, nifedipine, theophyline, digoxin, các thuốc tránh thai dùng đường uống hoặc các cyclosporine. Sử dụng cùng các thuốc kháng acid không làm ảnh hưởng đến dược động học của pantoprazole sodium.
- Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy không có sự tương tác dược động học giữa pantoprazole sodium với các thuốc kháng sinh kết hợp sau: metronidazole và clarithromycin; metronidazole và amoxicillin; amoxicillin và clarithromycin.
- Mặc dù trong các nghiên cứu dược động học lâm sàng không quan sát thấy sự tương tác khi dùng pantoprazole sodium cùng với wafarin, đã có một số báo cáo riêng lẻ sau khi lưu hành về sự thay đổi các chỉ số chuẩn trong các xét nghiệm. Do đó, những bệnh nhân đang được điều trị với các thuốc chống đông máu nhóm coumarin, cần theo dõi thời gian prothrombin/các chỉ số xét nghiệm lúc bắt đầu, kết thúc hoặc trong suốt thời gian dùng pantoprazole.
- Thức ăn không ảnh hưởng tới dược động học của pantoprazole.
6. Tác dụng phụ:
- Pantoprazole sodium được dung nạp tốt. Phần lớn các tác dụng phụ đều nhẹ và thoáng qua.
- Đường tiêu hóa: Khô miệng.
- Hệ thần kinh: Chóng mặt, rối loạn thị giác (nhìn mờ).
- Da và các tổ chức dưới da: mày đay, phù, phát ban da, mẫn cảm với ánh sáng, các phản ứng nặng ở da như hội chứng Steven-Johnson, hồng ban đa dạng, hoại tử da nhiễm độc.
- Gan mật: Tăng các enzyme gan (transaminase, GGT), tổn thương tế bào gan nặng dẫn tới vàng da có thể suy gan hoặc không.
- Xương, các mô liên kết và cơ xương: đau cơ, đau khớp, cơn cơ niệu kịch phát.
- Toàn thân: tăng nhiệt độ cơ thể, phù ngoại biên.
- Chuyển hóa: tăng triglyceride.
- Hệ miễn dịch: phản ứng phản vệ bao gồm shock phản vệ.
- Tâm thần: ức chế, hoang tưởng, mất định hướng, lú lẫn đặc biệt ở những bệnh nhân nguy cơ, cũng như làm nặng thêm các triệu chứng này ở những bệnh nhân đã bị từ trước.
- Thận và tiết niệu: viêm thận kẽ.
- Huyết học và hệ bạch huyết: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
- Toàn thân và tại chổ: viêm tĩnh mạch huyết khối.
Nguồn tin: Đơn vị thông tin thuốc